Phòng ngừa béo phì, thừa cân ở trẻ có liên quan đến chế độ ăn, tập luyện, ngủ nghỉ và sinh hoạt.
Phòng ngừa béo phì ở trẻ em rất quan trọng, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực về sức khỏe và chi phí điều trị. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo, trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và một số bệnh khác cao hơn.
Những người mắc bệnh béo phì thời thơ ấu có nhiều khả năng tái mắc khi trưởng thành. Người lớn mắc bệnh béo phì có nguy cơ bị đột quỵ, mắc một số bệnh ung thư và tình trạng sức khỏe tâm thần cao hơn.
Điều trị béo phì ở trẻ em bằng thuốc và phẫu thuật giảm béo có thể tốn kém. Các biến chứng từ những can thiệp y khoa này cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ. Để phòng ngừa béo phì ở trẻ nhỏ, bác sĩ Tùng gợi ý một số cách dưới đây.
Chế độ ăn
Thiết lập một kế hoạch ăn uống cân bằng, bổ dưỡng có thể giúp ngăn ngừa béo phì ở trẻ. Trong đó, cha mẹ nên chú ý hơn đến rau xanh, trái cây và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, chế độ ăn phòng ngừa béo phì ở trẻ cần hạn chế thực phẩm giàu calo, chất béo và đường, cùng với đó là tăng cường trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
Cho trẻ ăn cùng gia đình có thể giúp chúng làm quen với những bữa ăn lành mạnh và nhận thức được những mối nguy hiểm của việc ăn uống quá độ.
Chế độ tập luyện
Tập thể dục là yếu tố quan trọng khác để ngăn ngừa béo phì ở trẻ em. Vận động không chỉ góp phần ngăn ngừa béo phì mà còn giúp tăng cường sức mạnh xương, hạ huyết áp, giảm căng thẳng, lo lắng cho trẻ. Do vậy, phụ huynh nên khuyến khích trẻ em vận động hàng ngày.
Các khuyến nghị về hoạt động thể chất cho trẻ em phụ thuộc vào độ tuổi. Theo CDC Mỹ, trẻ em từ 3 đến 5 tuổi nên hoạt động hầu như cả ngày. Trẻ lớn hơn, trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên được khuyến khích vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Các khuyến nghị tập thể dục cho trẻ em trong độ tuổi từ 6–17 tuổi là ở mức độ vừa phải và cường độ cao. Trong đó bao gồm cả sự kết hợp giữa các bài tập aerobic và bài tập tăng cường cơ bắp, xương.
Một số bài tập khuyến khích dành cho trẻ em bao gồm: nhảy dây, chạy bộ, aerobic, đạp xe, các môn thể thao như bơi, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ…
Giấc ngủ
Có nhiều bằng chứng về tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ đối với tăng cân ở người lớn và trẻ em. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến một số hormone quyết định đến cân nặng, mức độ hoạt động và lượng calo.
Bác sĩ Tùng cảnh báo, trẻ thiếu ngủ có nhiều nguy cơ tăng cân không mong muốn và kém lành mạnh. Thức nhiều có thể khiến trẻ ăn nhiều hơn và ngủ ít hơn cũng khiến trẻ lười hoạt động do cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
Các chiến lược phòng ngừa béo phì hiện nay thường có liên quan đến việc cải thiện giấc ngủ. CDC Mỹ khuyến nghị, thiết lập giờ đi ngủ phù hợp có thể giúp ngăn ngừa béo phì ở trẻ. Theo đó, thời gian ngủ ở trẻ em và thanh thiếu niên cần duy trì mỗi ngày là: trẻ mới biết đi (1-2 tuổi) 11-14 giờ, trẻ mầm non (3-5 tuổi) 10-13 giờ, tuổi đi học (6-12 tuổi) 9-12 giờ, thanh thiếu niên (13-18 tuổi) 8-10 giờ.
Một số cách có thể giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn bao gồm: thiết lập thói quen ngủ phù hợp; giữ cho phòng ngủ tối, yên tĩnh, thoải mái và thư giãn; tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ; không ăn và uống vài giờ trước khi đi ngủ; tập thể dục hàng ngày…
Theo bác sĩ Tùng, trẻ dành nhiều thời gian chơi trò chơi, xem các thiết bị điện tử có thể dẫn đến béo phì. Cha mẹ nên giới hạn thời gian con chơi và thay thế bằng các hoạt động lành mạnh khác như đi dạo cùng nhau, tập thể dục hay giúp làm việc nhà như quét nhà và lau nhà…
Theo VnExpress