Ngày nay, tỉ lệ trẻ em mắc phải các vấn đề tâm lý ngày càng nhiều và có xu hướng tăng, trong đó có “Rối loạn phổ tự kỷ”. Tuy nhiên những hiểu biết của phụ huynh về tự kỷ còn nhiều hạn chế. Bài viết này sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ để phụ huynh hiểu hơn về dạng rối loạn này, nhận biết sớm các dấu hiệu gợi ý trẻ có nguy cơ bị tự kỷ để được tầm soát sớm, can thiệp sớm giúp ích cho cuộc sống hòa nhập của trẻ sau này.
1./ Rối loạn phổ tự kỷ là gì ?
Rối loạn phổ tự kỷ, tiếng anh là Autism Spectrum Disorder (viết tắt là ASD) là một dạng rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ ở ba khía cạnh:
– Hạn chế trong tương tác xã hội
– Hạn chế ngôn ngữ xã hội
– Sự rập khuôn, lặp đi lặp lại của các hành vi, sở thích.
2./ Các yếu tố nguy cơ của Rối loạn phổ tự kỷ
- Di truyền: là yếu tố nguy cơ quan trọng, với một số trẻ có rối loạn di truyển có thể liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Những đột biến di truyền, những đột biến mới trong gen-nhiễm sắc thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
- Tiền căn gia đình: Trong gia đình nếu có anh chị em, hoặc trẻ sinh đôi bị Rối loạn phổ tự kỷ thì trẻ có nguy cơ cao mắc Rối loạn phổ tự kỷ cao hơn so với dân số chung.
- Cha mẹ lớn tuổi.
- Trẻ sanh non < 26 tuần có nguy cơ bị mắc Rối loạn phổ tự kỷ.
- Mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai, tự ý sử dụng thuốc cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc Rối loạn phổ tự kỷ
3./ Một số triệu chứng gợi ý Rối loạn phổ tự kỷ
- Hạn chế giao tiếp mắt, lảng tránh ánh mắt với người khác.
- Ít biểu đạt cảm xúc khuôn mặt.
- Trẻ không phản hồi, không quay đầu lại khi có người gọi tên trẻ.
- Hạn chế tương tác với người chăm sóc và những người xung quanh.
- Không cười, không vẫy tay, không vỗ tay.
- Thích chơi với các ngón tay ở trước mặt.
- Trẻ thường đi nhón chân
- Hạn chế sử dụng ngôn ngữ, các cử chỉ không lời
- Thường kéo tay người khác về đồ vật mà trẻ muốn
- Thờ ơ với âm thanh, dễ bị kích động, la hét khi ồn ào, khó chấp nhận sự thay đổi
- Kém tập trung, không nhận biết được nguy hiểm xung quanh.
- Giọng nói cứng nhắc, rời rạc giống như robot.
- Xếp đồ chơi thành hàng ngang, chơi đồ vật không đúng chức năng như xoay trong bánh xe.
- Tự xoay quanh mình.
4./ Các dấu hiệu cờ đỏ của Rối loạn phổ tự kỷ
Theo Viện hàn lâm Thần kinh Hoa kỳ, có 5 dấu hiệu cờ đỏ gợi ý trẻ có nguy cơ cao mắc tự kỷ:
- Không bi bô, không biết dùng cử chỉ lúc 12 tháng
- Không nói từ đơn khi 16 tháng
- Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng
- Không đáp lại khi được gọi tên
- Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào
5./ Chẩn đoán trẻ mắc Rối loạn phổ tự kỷ như thế nào?
-
Có nhiều công cụ dùng để tầm soát, sàng lọc trẻ có nguy cơ bị tự kỷ như bảng kiểm ASQ-3, MCHAT 23, bác sĩ sẽ phát cho phụ huynh các bảng kiểm này gồm nhiều câu hỏi để phụ huynh tự trả lời và đánh dấu câu hỏi trong bảng kiểm về con em mình. Sau đó được Bác sĩ đánh giá và sàng lọc lại bằng các công cụ chuyên sâu hơn như MCHAT R/F hoặc STAT.
-
Việc chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ gặp nhiều khó khăn. Không có xét nghiệm cụ thể nào để xác định rối loạn này.Việc chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn của DSM 5 của Hiệp hội Tâm thần học Hoa kỳ.
6./ Điều trị trẻ mắc Rối loạn phổ tự kỷ như thế nào ?
- Vì rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thuốc chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng khi trẻ tăng động quá mức, có biểu hiện của rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Cần phối hợp xử trí nhiều chuyên ngành y tế và giáo dục, xã hội và gia đình bằng nhiều biện pháp can thiệp phù hợp thực tế.
- Đây là rối loạn mạn tính, kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm, trẻ có cơ may sống tự lập ở tuổi trưởng thành.
Bs. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phòng khám Nhi đồng
Để biết thêm thông tin hay cần tư vấn về bệnh Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ, Phụ huynh có thể liên hệ khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 638 090