Sốt xuất huyết là một bệnh cảnh nhiễm siêu vi thường gặp, nên cũng sẽ có các triệu chứng điển hình của nhiễm siêu vi như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức thân mình, có thể có hoặc không có các chấm xuất huyết rải rác,… Tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết sẽ có những biểu hiện nặng hơn không giống siêu vi thông thường mà phụ huynh cần lưu ý, nếu không biết cách theo dõi và chăm sóc đúng cách rất dễ diễn tiến nặng và nguy hiểm tính mạng trẻ.
1. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 7 ngày, có thể lên đến 10 ngày bệnh sẽ tự giới hạn. Bệnh chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Đặc điểm của triệu chứng sốt trong bệnh Sốt xuất huyết là sốt cao liên tục trong 2-3 ngày đầu, sau đó giảm sốt, nhưng cũng có trẻ sốt kéo dài hơn. Sai lầm của phụ huynh là khi thấy trẻ giảm sốt sẽ nghĩ rằng trẻ đang khỏe lại và chủ quan trong việc theo dõi trẻ. Do đó, khi một trẻ mắc sốt xuất huyết nếu giảm sốt hoặc hết sốt cần phải theo dõi kĩ hơn, chăm sóc kỹ hơn vì trẻ đang vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh.
Trẻ bị Sốt xuất huyết cần tái khám mỗi 1-2 ngày để lấy máu làm xét nghiệm kiểm tra liên tục trong 1 tuần đầu của bệnh.
2. Các triệu chứng của trẻ sốt xuất huyết cần đi khám ngay
+ Trẻ đừ, mệt
+ Than đau bụng nhiều
+ Ói nhiều
+ Không chịu uống nước
+ Có biểu hiện xuất huyết: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ói ra máu, tiêu phân đen, tiểu máu,…
Các biến chứng nặng của sốt xuất huyết là SỐC, SUY TẠNG, XUẤT HUYẾT CÁC CƠ QUAN.
3. Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Điều đầu tiên và đặc biệt quan trọng khi chăm sóc một trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh phải cho trẻ uống nhiều nước. Có thể là nước suối, nước điện giải, nước cháo loãng, nước cam, nước chanh, nước dừa,… Không cho trẻ uống các loại nước uống hoặc thức ăn có màu đỏ, màu nâu, màu đen, nước ngọt có gas,…
Hạ sốt cho trẻ bằng cách cho trẻ uống paracetamol, lau mát bằng nước ấm… Không dùng các loại thuốc hạ sốt nhanh như ibuprofen vì có nguy cơ gây xuất huyết. Không lạm dùng thuốc hạ sốt paracetamol, chỉ uống khi sốt và mỗi 6h nếu còn sốt vì nguy cơ suy gan cấp, đặc biệt trong bệnh cảnh sốt xuất huyết rất dễ tổn thương gan.
4. Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
– Ngủ màn ban ngày và đêm, không để trẻ chơi chỗ tối, mặc quần áo dài tay, dùng kem thoa chống muỗi.
– Phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối.
– Diệt lăng quăng: Đậy nắp thùng chứa nước, súc rửa chum vại thường xuyên, dọn chỗ đọng nước trong và quanh nhà, thả cá bảy màu ăn lăng quăng.
Khoa Nhi – Phòng khám Đa khoa Cộng đồng Hỷ Hỷ
Để biết thêm thông tin tư vấn về sốt xuất huyết cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ, Quý Phụ huynh có thể liên hệ khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 1900 638 090