Đau mắt đỏ trẻ em – Những điều phụ huynh cần biết

Vào mùa hè, mùa mưa khi thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao…là những điều kiện thuận lợi để các tác nhân virút, vi khuẩn, nấm mốc phát triển dẫn tới nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Dưới đây là các kiến thức cơ bản mà phụ huynh cần biết để có hiểu biết đúng và chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ đúng cách.

1. ĐAU MẮT ĐỎ LÀ GÌ?

  • Đau mắt đỏ là tên gọi dân gian của tình trạng viêm kết mạc cấp, khi lớp màng trong suốt che phủ lòng trắng mắt và lớp phủ bên trong mi mắt trên và dưới bị viêm đỏ.
  • Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan nhanh, nên có khả năng bùng thành dịch.

2. NGUYÊN NHÂN ĐAU MẮT ĐỎ

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đau mắt đỏ, trong đó một vài tác nhân chính là Adenovirus, liên cầu khuẩn, tụ cầu,…

  • Vệ sinh kém, môi trường sinh sống không sạch sẽ
  • Tiếp xúc với người đau mắt đỏ, dùng chung dụng cụ sinh hoạt hoặc nguồn nước với người đau mắt đỏ
  • Thói quen hay dụi mắt bằng tay

3. TRIỆU CHỨNG CỦA ĐAU MẮT ĐỎ

  • Đỏ mắt
  • Mắt đổ nhiều ghèn, có thể gây dính 2 mi mắt trên dưới sau mỗi lần ngủ dậy
  • Cộm mắt, gây đau ngứa rát trong mắt
  • Sưng mi mắt
  • Chảy nước mắt thường xuyên

Ngoài ra trẻ còn có thể có các triệu triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi,…
Tóm lại, một trẻ đau mắt đỏ thường có 3 triệu chứng chính tại chỗ: ĐỎ MẮT+ ĐAU+ MẮT CHẢY DỊCH và một số triệu chứng toàn thân không đặc hiệu.

4. CHĂM SÓC TRẺ ĐAU MẮT ĐỎ

Khi phát hiện trẻ bị đau mắt đỏ cần biết cách chăm sóc đúng để hạn chế các biến chứng bất lợi cũng như giúp trẻ mau hồi phục
Thông thường một trẻ đau mắt đỏ, bệnh có thể giới hạn trong vòng 5-7 ngày. Nhưng cũng có những trẻ bị lâu hơn, diễn tiến nặng hơn.
Vậy khi trẻ bị đau mắt đỏ cần làm gì?

Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9%) mỗi ngày/2 bên mắt
Cách nhỏ mắt đúng:

  • Dùng 1 tay tỳ kéo mi mắt dưới xuống, tay còn lại nhỏ thuốc. Nên nhỏ cả 2 mắt dù trẻ có đang bị đỏ mắt 1 bên vì trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, mắt còn lại cũng sẽ bị viêm nhiễm. Không để đầu nhỏ thuốc đụng vào niêm mạc mắt trẻ.
  • Khi mắt trẻ đóng nhiều ghèn, phụ huynh lấy tăm bông hoặc khăn mềm sạch có thấm nước lau nhẹ bên mắt lành trước rồi mới đến bên mắt bệnh, không làm điều ngược lại.

Các việc KHÔNG được làm: Ngoài nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, TUYỆT ĐỐI KHÔNG nhỏ các dung dịch khác như nhỏ sữa, nước vo gạo, vắt chanh, đắp lá,..sẽ làm kết mạc nhiễm trùng nặng hơn, có thể gây ra các biến chứng như tổn thương giác mạc, gây sẹo giác mạc, giảm thị lực, thậm chí mù lòa


5. KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM BÁC SĨ?

Khi có một trong các biểu hiện sau cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn và thay đổi thuốc điều trị phù hợp:

  • Mắt đỏ, đau nhiều 5 ngày không bớt
  • Dịch mắt đổi màu trắng đục, vàng xanh
  • Sưng mắt
  • Nhìn mờ

Tốt nhất khi thấy trẻ bị đau mắt đỏ, nếu chưa biết cần làm gì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và hướng dẫn cách chăm sóc và dùng thuốc phù hợp.

6. CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

 

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  • Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
  • Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

 

Bs. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phòng khám Nhi
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những thắc mắc về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *