Điều gì xảy ra khi quá liều Paracetamol ở trẻ?

Paracetamol có công dụng giảm đau, hạ sốt, thuốc có lịch sử lâu đời, được sử dụng rộng rãi và khá an toàn. Tuy nhiên không có thuốc nào là an toàn tuyệt đối, Paracetamol quá thông dụng và là loại thuốc không kê đơn nên việc lạm dụng nó vẫn thường xảy ra dẫn đến những trường hợp quá liều, nhất là đối với trẻ em, vì sự nóng lòng của người lớn khi mong cho trẻ mau hết đau hoặc sốt, việc quá liều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhất định. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu về công dụng, liều dùng của Paracetamol thế nào để an toàn cho trẻ em, tránh trường hợp dùng quá liều.

1. Thuốc Paracetamol và cách dùng

Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nhiệt độ sốt ở trẻ em:

Thông thường thân nhiệt của trẻ từ 37,5 độ C trở lên đến 38,5 độ C được xem là sốt nhẹ, từ 38,5 độ C đến dưới 39 độ C là sốt vừa, từ trên 39 độ C là sốt cao, nguy hiểm. Khi sốt nhẹ có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hạ sốt và chưa cần phải dùng thuốc (các biện pháp hỗ trợ được đề cập phía dưới), khi trẻ sốt vừa và cao nên dùng thuốc để hạ sốt cho trẻ tránh trường hợp sốt quá cao dẫn đến co giật.

Thuốc Paracetamol có nhiều hàm lượng và nhiều dạng bào chế để thích hợp cho người lớn và trẻ em. Thông thường các hàm lượng thường gặp như 650mg, 500mg, 325mg, 250mg, 150mg, 80mg; thuốc có nhiều dạng bào chế như viên nén, dạng bột pha dung dịch, siro, viên đạn nhét hậu môn.

Liều dùng của Paracetamol như sau: 10-15mg/kg/lần x 4-6 lần/ngàytổng liều không được quá 60mg/kg/ngày, khoảng cách giữa các liều tối thiểu là 4h.

2. Nguyên nhân và hậu quả khi quá liều Paracetamol ở trẻ em

Một số nguyên nhân của việc dùng quá liều đối với trẻ em thường là do người lớn:

  • Dùng liên tục thuốc hạ sốt khi thấy trẻ chưa hạ sốt;
  • Dùng kết hợp nhiều loại thuốc nhưng thành phần đều có Paracetamol.

Khi sử dụng quá liều Paracetamol, các triệu chứng lâm sàng thường thấy được rõ sau từ 1 – 2 ngày, chủ yếu tổn thương gan:

  • Trong 24h đầu, thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, da tái, đổ mồ hôi. Thường các biểu hiện ban đầu khá ít, triệu chứng chung chung nên hay dễ bị bỏ qua, cần thận trọng để ý;
  • Từ 24h-48h sau sẽ có các biểu hiện rõ ràng hơn về tổn thương gan như: đau hạ sườn phải, gan to, vàng da, khó chịu nhiều hơn, hạ thân nhiệt, hôn mê….

Khi nhận thấy các triệu chứng này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

3. Một số biện pháp hạ sốt khác hỗ trợ

– Dùng khăn ấm đắp trán, lau người giúp cho mạch máu giãn nở, dễ thoát nhiệt;

– Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát;

– Bù nước và điện giải vì sốt dễ gây mất nước.

Một số lưu ý:

– Dùng Paracetamol để hạ sốt nếu 2 ngày mà vẫn không cải thiện hoặc khi thấy trẻ sốt quá cao nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ vì sốt là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, cần được bác sĩ thăm khám và tìm ra nguyên nhân để điều trị;

– Cha mẹ nên dùng nhiệt kế theo dõi nhiệt độ của trẻ để đảm bảo cho việc chăm sóc khi trẻ bị sốt an toàn và hiệu quả.

Dược sĩ: Đặng Thị Hạnh Nguyên
Đơn vị Nhà thuốc – Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ

Để biết thêm thông tin về cách sử dụng Paracetamol cũng như các vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể liên hệ Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 1900 638 090

One thought on “Điều gì xảy ra khi quá liều Paracetamol ở trẻ?

  1. Pingback: Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết - Phòng khám Đa khoa Cộng đồng Hỷ Hỷ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *