Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng thiếu máu phổ biến, nguyên nhân là do thiếu sắt. Khi thiếu sắt, cơ thể không đủ nguyên liệu để tạo Hemoglobin – một thành phần quan trọng tạo máu của cơ thể.
1. Vai trò của sắt đối với cơ thể
Sắt có vai trò quan trọng đối với cơ thể, cụ thể: Tạo hồng cầu, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ vận chuyển Oxy.
Vì thế, thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần vận động, ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ, trẻ kém tập trung, học tập kém, dễ bị nhiễm trùng và nhiều tác hại khác ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của trẻ.
2. Đối tượng trẻ dễ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt
- Trẻ có mẹ bị thiếu máu trong thời kỳ mang thai;
- Trẻ sinh non, nhẹ cân; Trẻ sinh đôi;
- Trẻ uống sữa bò, sữa dê (không phải sữa công thức) trước 1 tuổi;
- Trẻ >6 tháng tuổi có chế độ ăn dặm không đa dạng thực phẩm, không bổ sung thêm sắt;
- Trẻ từ 1-5 tuổi uống nhiều hơn 600ml sữa tươi mỗi ngày;
- Trẻ ăn chay, không ăn thịt, cá, không ăn các loại rau củ quả màu xanh đậm, màu đỏ đậm;
- Trẻ không sổ giun định kỳ;
- Trẻ bị viêm loét dạ dày, tiêu chảy kéo dài, trẻ suy dinh dưỡng.
3. Biểu hiện của trẻ thiếu máu thiếu sắt
Triệu chứng của trẻ thiếu máu thiếu sắt diễn ra từ từ, ban đầu rất khó nhận thấy, triệu chứng hay gặp nhất là da xanh xao. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác như: Nhạt lòng bàn tay, nhạt gan bàn chân, niêm mạc mắt, củng mạc mắt nhạt; Tóc khô, rụng dễ gãy; Móng sọc, mất bóng, dễ gãy; Trẻ kém tập trung, lơ đãng, học hành sa sút, ăn không ngon miệng, ăn uống kém, ngủ không sâu giấc,..
Trẻ thiếu máu nặng sẽ có tình trạng tim nhanh, khó thở, suy tim,…
4. Các xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt
Bộ xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt gồm hai xét nghiệm: Định lượng nồng độ Huyết sắc tố (Hemoglobin – Hgb) và Ferritine huyết thanh:
- Hemoblobin (Hgb): Khi Hgb giảm đồng nghĩa có thiếu máu
Hemoglobin giảm khi:
Trẻ 6 tháng – 5 tuổi: Hgb <11 g/dL
Trẻ 5 tuổi – 12 tuổi: Hgb <11.5g/dL
Trẻ 12-15 tuổi : Hbg <12g/dL
- Ferritine huyết thanh phản ánh mức dự trữ sắt trong cơ thể. Khi Ferritine giảm nghĩa là cơ thể bị thiếu sắt.
Ferrine giảm nếu trị số <15 mcg/L
5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt
- Bổ sung Sắt dưới dạng uống (siro, nhỏ giọt hoặc viên) liều 3-6mg/kg mỗi ngày. Trẻ có thể uống thuốc sắt trước ăn nhưng có thể gây khó chịu, buồn nôn. Nếu uống sau ăn, nên uống cách xa bữa ăn khoảng 2 tiếng. Sau 1 tháng điều trị đánh giá lại. Nếu đáp ứng tốt, tiếp tục cho trẻ bổ sung sắt thêm 2-3 tháng tiếp theo. Tổng liệu trình bù sắt cho trẻ thiếu máu thiếu sắt là 3-4 tháng.
- Bổ sung thêm vitamin C. Vitamin C có tác dụng tăng hấp thu sắt, có thể uống cùng lúc với thuốc sắt.
- Không nên uống thuốc sắt cùng với sữa, trà,.. vì cản trở sự hấp thu sắt của cơ thể.
- Ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm, ăn nhiều thịt cá, rau củ quả màu xanh đậm, màu đỏ đậm,…
6. Dự phòng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
- Trẻ bú mẹ: Bổ sung liều sắt dự phòng cho trẻ đủ tháng khỏe mạnh từ tháng thứ 4 trở đi. Đối với trẻ sinh non, bổ sung sắt từ tuần thứ 2 đến 12 tháng tuổi;
- Trẻ bú sữa công thức: chọn loại sữa công thức có thành phần bổ sung thêm sắt;
- Trẻ >1 tuổi không nên uống quá 600ml sữa/ngày;
Bên cạnh đó, trẻ cần được sổ giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần và điều trị các bệnh lý viêm dạ dày mạn, viêm ruột mạn, tiêu chảy kéo dài, dị ứng đạm sữa bò, suy dinh dưỡng;…
Khoa Nhi – Phòng Khám Đa Khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ, Quý Phụ huynh có thể liên hệ khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 1900 638 090