Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của lạc nội mạc tử cung là người bệnh phải chịu những cơn đau khi đến kỳ kinh nguyệt gây khó khăn trong sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc sống.
1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một bệnh phụ khoa mãn tính, dễ tái phát, trong đó có sự hiện diện của mô giống mô tuyến ở nội mạc tử cung và mô đệm tùy hành nằm ngoài buồng tử cung. Sự hiện diện của mô lạc chỗ này thúc đẩy sự hình thành các phản ứng viêm mãn tính. LNMTC có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong khung chậu và trên các vị trí khác ở bề mặt phúc mạc. Lạc nội mạc ở tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào có kinh nguyệt, song nó phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 40.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của LNMTC tới nay vẫn chưa được biết rõ. Hiện có 4 giả thuyết được đưa ra.
a. Trào ngược máu kinh.
b. Lan truyền theo đường bạch huyết.
c. Lan truyền theo đường máu.
d. Chuyển sản khoang cơ thể.
3. Chẩn đoán
- Đau bụng: là triệu chứng phổ biến, điển hình của LNMTC, đau bụng bắt đầu từ trước khi hành kinh kéo dài trong suốt quá trình hành kinh và không chấm dứt hoàn toàn sau khi sạch kinh ảnh hưởng đến cuộc sống. Các bệnh nhân sẽ không đau với tính chất giống nhau, có người đau khi hành kinh, người thì đau dai dẳng, đau khi quan hệ.
- Xuất huyết tử cung bất thường: triệu chứng phụ thuộc vào mô nội mạc lạc vị xuất hiện ở vị trí nào, chỉ xảy ra khi lạc nội mạc trong cơ tử cung.
- Hiếm muộn: cơ chế hiếm muộn do LNMTC do nhiều nguyên nhân phối hợp.
4. Cận lâm sàng
- Siêu âm ngã âm đạo/trực tràng: là lựa chọn đầu tiên để chẩn đoán, rẻ tiền, dễ tiếp cận và không xâm lấn. Nếu phụ nữ chưa quan hệ sử dụng siêu âm ngã trực tràng để chẩn đoán. Giúp phát hiện tổn thương thâm nhiễm sâu vùng chậu, trực tràng, vách âm đạo-trực tràng.
- MRI: chi phí cao hơn khó tiếp cận. Chỉ định khi kết quả siêu âm chưa rõ ràng các tổn thương thâm nhiễm sâu (ruột, bàng quang, trực tràng-âm đạo,…), hay khối u LNMTC vùng chậu to và chưa rõ bản chất.
- Nội soi ổ bụng kết hợp sinh thiết: là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán LNMTC.
5. Điều trị
a. Nguyên tắc điều trị
- Cá thể hoá điều trị, phụ thuộc vào những than phiền cụ thể của người phụ nữ, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vị trí tổn thương, mục tiêu điều trị và mong muốn có khả năng sinh sản trong tương lai.
- Tối ưu hoá điều trị nội khoa và tránh các phẫu thuật lặp đi lặp lại.
b. Mục tiêu điều trị
- Giảm đau, giảm tiến triển và giảm tái phát bệnh.
- Tăng khả năng có thai.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
c. Uống thuốc
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả. Nếu những loại thuốc này không giúp bạn bớt đau, hãy kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ như:
- Tắm nước ấm.
- Chườm nóng: Đặt một chai nước nóng hoặc miếng đệm nóng lên bụng.
- Tập thể dục đều đặn.
- Châm cứu.
- Massage.
d. Điều trị nội tiết
Liệu pháp nội tiết nhằm làm giảm lượng estrogen mà cơ thể tạo ra. Các loại thuốc được chỉ định để giảm nồng độ hormone estrogen bao gồm:
- Viên tránh thai kết hợp.
- Dùng Progestin: tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc.
e. Phẫu thuật bảo tồn:
Thích hợp cho những phụ nữ không đáp ứng với hai liệu pháp uống thuốc và điều chỉnh nồng độ nội tiết tố.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng – phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu – được áp dụng nhằm bóc bỏ các khối lạc nội mạc tử cung.
Biện pháp đốt laser cũng thường được sử dụng nhằm đốt phá hủy mô “lạc chỗ” này.
f. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Cắt toàn bộ tử cung như một biện pháp cuối cùng nếu tình trạng bệnh của bạn không cải thiện với mọi phương pháp điều trị khác.
Khi cắt hoàn toàn tử cung, bạn sẽ không thể mang thai được nữa. Chính vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành phương pháp này, nhất là khi bạn còn trong độ tuổi lập gia đình và sinh con.
6. Cách phòng bệnh
Gặp bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.
Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 4 giờ/tuần) để duy trì tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể thấp. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
Tránh uống nhiều rượu: Các nghiên cứu đã chứng minh rượu làm tăng nồng độ estrogen. Do đó, bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày.
Hạn chế thức uống chứa caffeine: Dung nạp nhiều hơn một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày, đặc biệt là soda và trà xanh, có thể làm tăng nồng độ estrogen.
Khoa Sản phụ – Phòng khám Đa Khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ
Để biết thêm thông tin tư vấn về bệnh lạc nội mạc tử cung cũng như các vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể liên hệ Phòng khám Đa khoa Cộng đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 1900 638 090