Ốm nghén trong thai kỳ

Khó chịu, buồn nôn, không thể ăn uống gì… là những dấu hiệu phổ biến của giai đoạn đầu thai kỳ khiến nhiều thai phụ phải chịu đựng sự mệt mỏi kéo dài. Như vậy ốm nghén là gì? Nguyên nhân điều này bắt nguồn từ đâu và làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này? Hãy cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ tìm hiểu về chủ đề này nhé.

1. Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là một trong những hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng khó chịu, đầy hơi, buồn nôn, nôn, và mất ngủ. Tình trạng nghén nặng có thể gây mất nước, chóng mặt, nôn ói nhiều, rối loạn điện giải… có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nhiều lần trong ngày, thông thường là vào buổi sáng hay khi ngửi thấy mùi thức ăn.

Thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng ốm nghén ở từng thai phụ sẽ khác nhau. Đa số các trường hợp, nghén xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ, sau đó giảm dần và mất hẳn từ tuần thứ 12, và  một số ít trường hợp có thể kéo dài đến 16 tuần.

2. Các triệu chứng của nghén

  • Cơn nghén thông thường: Đa số thai phụ bị nghén ở dạng này. Trong thai kỳ, thai phụ luôn thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải, vẫn còn giữ thức ăn bên trong dạ dày. Do đó, thai phụ không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Sau khoảng 12 tuần sẽ thấy triệu chứng nôn ói giảm dần.
  • Cơn nghén nặng: Khoảng 3% thai phụ bị nghén nặng. Thai phụ thường xuyên nôn ói với mức độ trầm trọng khiến thức ăn bị tống ra hết bên ngoài, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, kết hợp với tình trạng chán ăn, mất ngủ do ốm nghén khi mang thai khiến thai phụ sút cân. Điều đó dẫn đến thai phụ dễ bị suy nhược, hay mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.

3. Những nguyên nhân gây nghén khi mang thai

Hiện nay nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén khi mang thai vẫn chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu cho rằng, thai phụ bị nghén do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục khi mang thai. Cơ thể thai phụ sẽ tạo ra một lượng lớn hormone Progesterone gây giãn các cơ trên hệ tiêu hóa, làm thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, tạo cảm giác buồn nôn. Thêm vào đó, hormone này còn làm chậm quá trình tiêu hóa dẫn đến tình trạng khó tiêu ở thai phụ.

Những yếu tố sau đây góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra ốm nghén khi mang thai: thai phụ mang thai lần đầu, từng có tiền sử nghén nặng ở những lần mang thai trước, người quá gầy, mang song thai hoặc mang đa thai, mắc bệnh nguyên bào nuôi.

Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng nghén khi mang thai:

  • Thai phụ có quen ăn uống thất thường.
  • Hệ thần kinh của thai phụ nhạy cảm với các loại thức ăn có mùi.
  • Di truyền: thường gặp ở những thai phụ có mẹ bị ốm nghén khi mang thai.

4. Tình trạng ốm nghén gây ảnh hưởng thế nào đến mẹ bầu và thai nhi?

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng ốm nghén khi mang thai là một dấu hiệu tích cực cho thấy thai phụ đang trải qua một giai đoạn mang thai khỏe mạnh. Tình trạng ốm nghén không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí đây còn là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt.

Tuy nhiên, tình trạng cơn nghén chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian cụ thể. Khi các triệu chứng ói mửa kéo dài, không kiểm soát được có thể khiến thai phụ giảm cân, mất cân bằng điện giải, mất nước nghiêm trọng… Khi đó, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người mẹ dễ dẫn đến trầm cảm thai kỳ, sức khỏe thai nhi có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, khuyến cáo thai phụ nên đến cơ sở y tế ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Tim đập nhanh.
  • Sốt cao không hạ.
  • Giảm 1 – 2kg trong thời gian ngắn.
  • Khó chịu, ói mửa liên tục, không ăn uống được.
  • Bất tỉnh, ngất.
  • Nước tiểu ít, nước tiểu có màu đậm.
  • Đau đầu, đau bụng.
  • Xuất huyết âm đạo.
  • Nôn ra máu.

5. Các xét nghiệm cần làm khi bị ốm nghén

Để chắc chắn ốm nghén là tình trạng sinh lý bình thường, thai nhi vẫn phát triển khỏe mạnh, thai phụ cần thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra như sau:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem thai phụ và thai nhi có bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất dinh dưỡng nào không.
  • Xét nghiệm điện giải đồ: Kiểm tra xem thai phụ có bị rối loạn điện giải do nôn quá mức hay không.
  • Siêu âm thai: Kiểm tra thai nhi có phát triển bình thường và khỏe mạnh đúng tuổi thai hay không.

6. Cần làm gì để kiểm soát tình trạng nghén

Thay đổi chế độ ăn uống:

  • Cần chia nhỏ bữa ăn hằng ngày khoảng 5-6 bữa ăn/ngày và không nên ăn quá no, cũng không nên để bụng rỗng.
  • Nên ăn những thức ăn ít chất béo và dễ tiêu hoá, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, cay.
  • Hạn chế tiếp xúc hay ăn thức ăn có nhiều mùi.
  • Uống đủ nước (2-3 lít/ngày): đặc biệt là nước chanh, nước ép trái cây, hoa quả sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Bổ sung vitamin tổng hợp.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như: thịt bò, trứng, rau củ có màu xanh đậm, táo, chuối, bánh mì nướng….; thực phẩm giàu vitamin C để chống nôn.
  • Ngoài ra bạn có thể bổ sung các món có gừng như trà gừng, kẹo gừng,.. sẽ giúp cải thiện tình trạng của bạn.

Thay đổi thói quen sinh hoạt, tập luyện

  • Không nên nằm ngay sau khi ăn.
  • Thai phụ cần giải toả tâm lý, thời gian ngủ và nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng và lo lắng.
  • Chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý là bí quyết giúp thai phụ giảm nghén hiệu quả, các bầu cần chọn các bài tập vận động nhẹ nhàng như tập hít thở sâu, đi bộ, tập yoga, bơi lội…
  • Ngoài ra, khi nôn ói, men răng có khả năng bị mòn do acid dạ dày trào ngược lên, để bảo vệ men răng, các mẹ bầu cần súc miệng ngay sau khi nôn ói bằng nước muối sinh lý hoặc một ly nước hòa tan khoảng một muỗng cà phê baking soda để giúp trung hòa acid.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp nghén nặng gây ói nhiều, sụt cân, mất nước,… thì cần được hỗ trợ bằng thuốc; các loại thuốc này không gây ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Tuy nhiên, thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, cũng như tuân thủ đúng liều lượng thuốc được kê đơn.

Đối với các tình trạng ốm nghén quá nặng vượt tầm kiểm soát, thai phụ cần phải nhập viện điều trị cho đến khi các triệu chứng ổn định trở lại.

Tóm lại, ốm nghén là triệu chứng rất thường gặp trong thai kỳ, các mẹ bầu có thể vượt qua giai đoạn này mà không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi tình trạng ốm nghén nghiêm trọng khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi quá độ, không thể ăn uống… thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được đánh giá, tư vấn giúp mẹ có biện pháp giảm nghén an toàn, phù hợp, đồng thời có hướng can thiệp khi cần thiết.

Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ mang đến chương trình chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những thắc mắc về vấn đề trong thai kỳ, bạn có thể liên hệ tư vấn tại Phòng khám Sản Phụ Khoa, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 1900 638 090

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *