Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cha mẹ cần chăm sóc và theo dõi con của mình để kịp thời phát hiện các triệu chứng của bệnh và nhanh chóng đưa trẻ đi khám bệnh.
1. Bệnh Tay chân miệng là gì?
- Bệnh tay chân miệng (tên tiếng anh là HFMD – Hand, foot and mouth disease) là một lọai bệnh do virus gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. Đặc trưng của bệnh là tình trạng sốt và sự xuất hiện của các mụn nước, điển hình ở lòng bàn chân, tay và vòm miệng. Bệnh thường xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát cao điểm là khoảng tháng 2 đến tháng 4, và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
- Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến tự giới hạn trong 5-7 ngày sẽ khỏi. Chỉ khoảng <5% trẻ mắc bệnh tay chân miệng diễn tiến nặng. Tuy nhiên nếu bệnh nặng, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh, tiên lượng xấu, có thể tử vong.
2. Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là gì?
- Biểu hiện ngoài da điển hình của bệnh tay chân miệng là xuất hiện các bóng nước trên nền hồng ban mọc rải rác ở lòng bàn tay, lòng ban chân, đầu gối, khuỷu tay, và mông.
- Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng mọc bóng nước dễ phát hiện. Những trẻ có nổi mụn nước đôi khi nhẹ và ít biến chứng hơn trẻ biểu hiện kín đáo, hoặc không có nổi mụn nước. Một vài trẻ có thể chỉ có sốt kèm loét họng, loét miệng, biếng ăn, miệng chảy nhiều nước bọt, đây là một dấu hiệu phụ huynh cần lưu ý.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay ?
- Trẻ sốt cao khó hạ, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Trẻ sốt trên 2 ngày, chảy nước bọt nhiều.
- Trẻ nôn ói nhiều.
- Trẻ giật mình chới với lúc đầu giấc ngủ.
- Trẻ giật mình trên 2 lần/30 phút.
- Trẻ đi đứng không vững, loạng choạng, rung giật nhãn cầu, lác mắt.
- Tím tái, khó thở.
4. GIẬT MÌNH CHỚI VỚI trong Bệnh tay chân miệng là như thế nào?
Lúc thiu thiu ngủ, trẻ nẩy người, chân tay giật bắn, mắt đờ đẫn. Đây là một dấu hiệu cảnh báo nặng mà phụ huynh đặc biệt lưu ý vì khi trẻ có giật mình nghĩa là virus đã tấn công lên hệ thần kinh trung ương của trẻ, cần đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ giật mình với tần suất từ 2 lần trong 30 phút hoặc trong lúc đang thăm khám thì trẻ có chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị.
5. Chăm sóc trẻ bệnh Tay chân miệng như thế nào ?
- Cách ly trẻ tại nhà, không tiếp xúc với trẻ khác.
- Cho trẻ ăn thức mềm, dễ nuốt, và dễ tiêu hóa như sữa, cháo loãng,…
- Trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, không cần hạn chế tắm rửa khi bị bệnh tay chân miệng.
- Tái khám bác sĩ mỗi ngày nếu trẻ có sốt, hoặc mỗi 2 ngày nếu trẻ không sốt trong vòng 1 tuần đầu.
6. Phòng ngừa bệnh Tay chân miệng như thế nào?
- Tránh tiếp xúc với người bệnh
- Che miệng khi ho, hắt hơi
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Rửa sạch các vật dụng bẩn (đồ chơi, nhà vệ sinh, bộ bát ăn của bé)
- Cho trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh
- Hạn chế đưa tay lên mặt
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Bs. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phòng khám Nhi đồng
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những thắc mắc về bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ, Phụ huynh có thể liên hệ khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Cộng Đồng Hỷ Hỷ theo địa chỉ: 366 Tân Kỳ Tân Quý – Phường Sơn Kỳ – Quận Tân Phú – Tp. Hồ Chí Minh.
Hotline: 1900 638 090