Căng thẳng có thể làm tăng đường huyết

Stress không trực tiếp gây tiểu đường nhưng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu thông qua việc làm giảm tác dụng kiểm soát đường huyết của insulin.

Khi bị stress, cơ thể phản ứng lại bằng cách giải phóng hormone stress. Những hormone này làm cho não tỉnh táo hơn, căng cơ bắp và tim tăng nhịp đập. Thời gian đầu, những phản ứng này mang tính tích cực vì giúp cơ thể tự vệ, vượt qua được căng thẳng trước mắt. Nếu stress xảy ra trong ngắn hạn, đôi khi mang tính tích cực, giúp bạn xử lý vấn đề thận trọng. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây hại cho sức khỏe.

Làm tăng đường huyết

Stress không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường nhưng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline. Những hormone này tạo năng lượng cho cơ thể phản ứng lại với stress. Tuy nhiên chúng cũng có tác dụng đối kháng insulin, làm giảm tác dụng của kiểm soát đường huyết của insulin dẫn đến lượng đường tăng lên trong máu.

Ăn quá nhiều khi căng thẳng: Khi stress, cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol. Hormone này có chức năng chuyển hóa chất béo và carbohydrate nên người stress có xu hướng ăn nhiều hơn mọi ngày để “giải tỏa” căng thẳng, dẫn đến tăng cân. Người thừa cân, béo phì có nguy cơ tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường và khi mắc bệnh tiểu đường sẽ khó kiểm soát đường huyết hơn.

Căng thẳng kéo dài gây tăng đường huyết. Ảnh: Freepik
Căng thẳng kéo dài gây tăng đường huyết. Ảnh: Freepik

Bệnh nhân dễ trầm cảm hơn: Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và trầm cảm có thể có chung một căn nguyên là stress. Stress kéo dài kích hoạt và xáo trộn của hệ thống căng thẳng; tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy, stress còn xuất hiện ở 40% bệnh nhân tiểu đường đường type 1 hoặc type 2. Người bệnh trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 60%. Ngược lại, người bệnh tiểu đường dễ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn 3 lần ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và 2 lần ở người tiểu đường type 2 so với dân số chung. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ trầm cảm cao hơn từ 2-3 lần so với thanh niên không mắc bệnh.

Rối loạn nội tiết: Căng thẳng mạn tính gây ra rối loạn chức năng miễn dịch trực tiếp hoặc thông qua trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận hoặc hệ thống thần kinh giao cảm, làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm. Tình trạng viêm tương tác với hoạt động bình thường của tế bào β tuyến tụy, gây ra đề kháng insulin, thúc đẩy bệnh tiểu đường type 2. Các cytokine tiền viêm được phát hiện có tương tác với nhiều lĩnh vực sinh lý bệnh đặc trưng cho trầm cảm, bao gồm chuyển hóa chất dẫn truyền thần kinh, chức năng nội tiết thần kinh. Những mối tương quan này cho thấy rằng căng thẳng thúc đẩy trầm cảm và tiểu đường type 2.

Người có các dấu hiệu stress như: nhức đầu, đau cơ, căng cơ, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ, mệt mỏi, thiếu sức sống, cáu kỉnh, suy sụp, buồn phiền, lo lắng, bồn chồn… nên thăm khám tại chuyên khoa tâm lý để tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *